Chính ngạch và chủ động
Ông Mei Xin Zhong, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Thủy sản và Công thương toàn quốc Trung Quốc cho biết, thủy sản và nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc không phải chịu thuế, chỉ thu 11% thuế gia trị gia tăng. Nếu xuất biên mậu (Việt Nam thường gọi là tiểu ngạch) thì tránh được thuế giá trị gia tăng nhưng là con đường mạo hiểm, nhiều rủi ro. “Có bạn hàng của Trung Quốc nhập biên mậu, năm trước có mặt tại đây nhưng năm nay không còn. Nhu cầu Trung Quốc về cá tra và tôm của Việt Nam là cao, tuy nhiên, chúng tôi mong được nhập hàng chính ngạch, sản phẩm có bao bì thương hiệu như hàng từ EU. Các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng thương hiệu với bao bì riêng để xuất chính ngạch vào Trung Quốc, tận dụng các cơ hội phát triển tốt”.
Số liệu của VASEP, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiểu ngạch chiếm tới 44% tổng sản lượng, nhưng giá trị chỉ chiếm 23%. Chênh lệch giá xuất khẩu giữa chính ngạch với tiểu ngạch tới 1 USD/kg, cho thấy chất lượng sản phẩm và thương mại chưa được 9 doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch chú trọng. Điều này ẩn chứa nguy cơ gây hại cho cá tra ở tương lai, nếu không kịp thời điều chỉnh.
Để phát triển cá tra Việt Nam ở thị trường Trung Quốc, cần tăng cường hợp tác giữa những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Một trong những cơ hội hợp tác là tham gia hội chợ và ông Cen Jian, Trưởng ban Thư ký Hiệp hội Thủy sản Yuexi tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc, giới thiệu Hội chợ Triển lãm Thủy sản quốc tế tại Trạm Giang. Đây là thành phố lấn biển ở tỉnh Quảng Đông, gần với khối ASEAN nhất, được mệnh danh là “thành phố tôm của Trung Quốc”, đã phát triển thêm nhiều mặt hàng thủy sản, trong đó có cá tra. “Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ được miễn phí gian hàng và trang trí, chỉ cần gửi thiết kế chúng tôi sẽ được thực hiện. Các doanh nghiệp còn được miễn tiền nghỉ khách sạn trong thời gian tham dự hội chợ. Tại đây, tôi xin chân thành kính mời các doanh nghiệp thủy sản, nhà thu mua thủy sản, đơn vị kinh doanh bán lẻ của Việt Nam tham dự”, ông Cen Jian nói.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng cho biết, năm 2017, Việt Nam có 11 doanh nghiệp (6 doanh nghiệp cá tra, 3 doanh nghiệp tôm, 2 doanh nghiệp phụ trợ) tham gia Hội chợ Triển lãm Thủy sản quốc tế tại Trạm Giang đạt kết quả tốt. Ông nói: “Chúng tôi đến Trạm Giang được đón tiếp thân thiện, làm việc với lãnh đạo Công ty Quốc Liên, tham quan Trung tâm Giao dịch Thủy sản phía Nam Trạm Giang (thuộc Tập đoàn Quốc Liên), nhà máy chế biến của Công ty XNK thủy sản Quốc Mỹ. Phía Trung Quốc đã chủ động mời gọi, hợp tác phát triển thị trường, nếu doanh nghiệp Việt Nam cùng chủ động hơn nữa chắc chắn sẽ có hiệu quả cao”.
Chú trọng chất lượng
Đại diện CASEAMEX cho biết, đã tham dự hội chợ ở Trạm Giang và đang xuất khẩu nhiều cá tra vào Trung Quốc. Theo vị đại diện, khi mới vào thị trường Trung Quốc cũng khá dè dặt nhưng khi xuất khẩu chính ngạch, tham gia được vào chuỗi cung ứng Trung Quốc thì thấy thị trường phát triển tốt, nếu có sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là cơ hội thành công cao. “Trước đây, người Trung Quốc coi trọng giá cả thấp bên cạnh chất lượng nhưng hiện nay, chất lượng đã chiếm vị trí hàng đầu trong mối quan tâm, chất lượng sản phẩm được đặt lên trên hết”, vị đại diện nói.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam Trần Thanh Phong phân tích, các hoạt động xúc tiến sang Trung Quốc không chỉ ở vùng duyên hải nữa mà đã vào sâu bên trong nội địa (các tỉnh Hồ Bắc, Tứ Xuyên). Ông Phong nhấn mạnh: “Thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi sản phảm phải đảm bảo chất lượng và sản phẩm cá tra xuất sang Trung Quốc cũng dần sẽ theo những tiêu chuẩn khắt khe đã xuất sang các thị trường khó tính như Mỹ và EU (BAP, Global Gap, ASC…). Chợ đầu mối thủy sản lớn nhất là Yantian (Chiết Giang), Huangsha (Phúc Kiến), Tong Chuan (Thượng Hải); các siêu thị và nhà bán lẻ lớn của nước ngoài đã có mặt tại thị trường Trung Quốc là Carrefour (Pháp), Jusco (Nhật), Metro (Đức), Walmart (Mỹ). Trong khi người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hải sản tươi sống thì sản phẩm thủy sản đã qua chế biến đông lạnh ngày càng được quan tâm vì sự phát triển hệ thống đông lạnh”.
Về sự phát triển thị trường Trung Quốc trong tương lai, ông Phong cho biết: “Mua bán qua mạng với nhiều hình thức: email và bán lẻ trực tuyến tăng mạnh trong những năm qua vì giải quyết được giá logistic ngày càng tăng cao, cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém đặc biệt tại các thành phố chưa phát triển. Cho nên, mua bán qua mạng là xu hướng phổ biến tại các thành phố thường hay bị ách tắc giao thông. Một số công ty buôn bán qua mạng đã thành lập hẳn công ty chuyển phát nhanh của riêng mình để giải quyết vấn đề quá tải trong vận chuyển của các công ty chuyển phát nhanh”.
Nghiên cứu của ông Phong cũng cho biết một số yêu cầu từ phía các công ty lớn của Trung Quốc: “Kinh doanh theo cách truyền thống: Nhà cung cấp phải có chứng nhận về chất lượng, sản phẩm đạt đủ yêu cầu về chất lượng của chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, xuất khẩu theo đường chính ngạch, phải đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp sản phẩm đúng theo yêu cầu và giao hàng đúng hạn, cần nhân viên biết tiếng Trung để giao tiếp với đối tác Trung Quốc. Còn kinh doanh qua mạng: yêu cầu cập nhật thông tin và hình ảnh sản phẩm, dịch vụ hậu bán hàng, thường xuyên có các hoạt động khuyến mãi, quan tâm hơn đến thương hiệu”.
>> Ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam (1,27 tỷ USD năm 2017). Sản phẩm chính là tôm, cá tra và tiềm năng sắp tới là cá rô phi, nghêu, cá rô đồng. Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng đều nhiều năm qua, từ tỷ trọng 3,7% (năm 2007), 10,3% (năm 2015) đã tăng lên 23% (năm 2017) để trở thành thị trường lớn nhất. |