VASEP góp ý dự thảo thông tư thay thế Thông tư 26/2016 và quy định cho hàng đi EU

15/12/2017

 

VASEP góp ý dự thảo thông tư thay thế Thông tư 26/2016 và quy định cho hàng đi EU

Ngày 1/12/2017, VASEP đã gửi Công văn số 185/2017/CV-VASEP tới Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y và Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản NAFIQAD góp ý dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT và quy định về H/C cho hàng thủy sản XK sang EU.

Yêu cầu doanh nghiệp nộp C/C trong hồ sơ kiểm dịch thủy sản không phù hợp với thực tế

Tại công văn này, VASEP cho rằng, việc Dự thảo yêu cầu phải có bản sao Giấy chứng nhận đánh bắt (Catch Certificate (C/C)) do cơ quan thẩm quyền của nước có tàu khai thác cấp trong hồ sơ đăng ký, khai báo kiểm dịch khi NK lô hàng là điều không phù hợp với quy định pháp lý, thông lệ quốc tế cũng như phần lớn không thể thực hiện trong thực tiễn bởi những lý do sau.

Thứ nhất, Luật Thủy sản chỉ quy định việc xác nhận nguyên liệu thủy sản, chứng nhận sản phẩm thủy sản khi có yêu cầu chứ không bắt buộc với tất cả các thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, theo Quy định của Hội đồng (EC) số 1005/2008 ngày 29/8/2008, tại Điều 14 có quy định như sau: đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu gián tiếp (nghĩa là lô hàng nhập vào EU, xuất khẩu từ nước thứ 3 nhưng được đánh bắt từ quốc gia treo cờ khác như Đài Loan, Hàn Quốc.. Điều 14 của Quy định 1005/2008, EU không qui định là DN phải nộp C/C vào thời điểm nhập hàng vào Việt Nam, mà chỉ quy định nhà nhập khẩu EU phải nộp C/C cho EU khi nhập hàng vào EU.

Thứ ba, theo Khoản 6, Mục III Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ quy định về trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong đó có yêu cầu về sửa đổi, bổ sung Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT như sau: “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về xếp loại DN và sản phẩm trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với thủy sản nhập khẩu tại Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên”.

Thứ tư, qua tham khảo về công tác quản lý đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu của một số nước lân cận như Thái Lan thì:

Nước này áp dụng các biện pháp quốc gia có cảng (Port State Measures – PSM) cho các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ các tàu cá và tàu chuyên chở nước ngoài. Ngay khi Thái Lan gia nhập Hiệp định các biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) của FAO từ tháng 5/2016, Thái Lan đã áp dụng đầy đủ PSM. Tuy nhiên, mức độ kiểm tra sẽ khác nhau đối với các sản phẩm từ các quốc gia ven biển khác và các nước láng giềng.

Đối với giấy chứng nhận khai thác của EU (C/C), Thái Lan đã cố gắng thiết lập Biên bản ghi nhớ giữa các quốc gia có tàu cá cập cảng Thái Lan để nộp C/C trong khi cập cảng Thái Lan. Tuy nhiên, để có được C/C cho EU ngay khi cập cảng nhiều khi không thể có được đối với một số quốc gia, vì vậy Thái Lan đã quy định thỏa thuận để nộp chứng từ tương đương khác trong khi cập cảng. Các cơ sở chế biến phải nộp C/C trước khi nộp Tờ khai chế biến XK cho DoF.

Cuối cùng, quy định IUU của EU yêu cầu quốc gia tàu treo cờ xuất khẩu hải sản sang EU phải xác nhận nguồn gốc và tính hợp pháp của thủy sản khai thác bằng việc sử dụng C/C. Tuy nhiên, Thái Lan đã thiết lập hệ thống chứng nhận khai thác của Thái đối với tất cả các tàu treo cờ Thái Lan. Hệ thống này nhằm mục đích có một hệ thống truy xuất đầy đủ cho các sản phẩm hải sản trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ đánh bắt đến chế biến và xuất khẩu thành phẩm.

Thứ năm, về cơ sở thực tiễn, hiện nay, quy trình cấp C/C của các nước gồm các bước như sau: (1) Tàu đánh bắt/Tàu chuyên chở cá=> (2) Cập cảng bốc hàng=> (3) Cảng bốc hàng xác nhận lượng hàng thực tế lên cảng => (4) Chủ tàu/chủ hàng lấy xác nhận của cảng mang về trình cho CQTQ nước treo cờ => (5) CQTQ nước treo cờ xác minh/thẩm tra thông tin, khối lượng..=> (6) Cấp C/C cho chủ tàu/chủ hàng.

Với qui trình này, thời gian để chủ tàu/chủ hàng có thể cung cấp C/C cho người mua là ít nhất 1 tháng kể từ ngày nhập khẩu. Có thể tính chi tiết thời gian cần phải có để cấp 1 C/C như sau: Khâu bốc hàng tại cảng (2) và xin xác nhận của cảng về lượng hàng thực tế (3): ví dụ 1 con tàu 3.000 tấn cá đông lạnh cập cảng Việt Nam với năng suất bốc hàng bình quân 200 tấn/ngày (nhiều cảng ko đạt được năng suất này thì thời gian còn kéo dài hơn) + thêm thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh, xin xác nhận của cảng thì mất ít nhất 20 ngày. Đó là chỉ tính cho trường hợp 1 con tàu chỉ bán cho 1 chủ hàng, trường hợp 1 tàu vào bán cho nhiều chủ hàng ở nhiều cảng khác nhau, thì thời gian này sẽ tốn thêm nhiều lần. Thời gian để chủ tàu/chủ hàng chuyển hso có xác nhận của cảng về cho Cơ quan có thẩm quyền của nước treo cờ xác nhận (4) ít nhất cũng 3-5 ngày. Thời gian để Cơ quan có thẩm quyền xác minh số liệu và cấp C/C (5) ít nhất cũng 5 ngày.

Như vậy, yêu cầu DN phải nộp C/C trong hồ sơ kiểm dịch thủy sản là hoàn toàn không phù hợp với thực tế.

Giấy chứng nhận ATTP H/C (Health Certificate) của lô nguyên liệu NK phải có “Meet EU Requirements

Thời gian qua, cục NAFIQAD căn cứ vào Thông báo số 90/BNN-QLCL ngày 21/12/2009 của Bộ NN&PTNT trong đó yêu cầu các nước khi xuất khẩu nguyên liệu vào Việt Nam để chế biến xuất đi EU phải đáp ứng đồng thời hai đều kiện liên quan đến VSATTP: (1) Cơ sở sản xuất (bao gồm cả tàu cá) phải có tên trong danh sách đựơc EU công nhận hoặc được cơ quan thẩm quyền của nứơc xuất khẩu kiểm tra và công nhận đáp ứng yêu cầu tương dương với qui định EU về VSATTP; (2) Từng lô hàng nhập vào VN (không áp dụng đối với tàu cá) cung cấp H/C theo mẫu của VN yêu cầu, trên mẫu H/C này có ghi chú cho phần chứng nhận lô hàng phải ”meet EU requirements”.

Tuy nhiên, theo VASEP, Thông báo số 90/BNN-QLCL là văn bản dưới luật và chưa phải văn bản quy phạm pháp luật (theo Luật ban hành VB QPPL hiện hành), cũng chưa nêu rõ dựa vào qui định nào của EU để đưa ra yêu cầu với các nước như vậy. Tuy nhiên, quy định hành chính này vẫn đang được áp dụng trong hoạt động kiểm soát hàng thủy sản XK đi EU có nguồn gốc từ nhập khẩu.

Hiện tại, một số nước (ví dụ Solomon) chỉ cấp H/C có chứng nhận lô hàng đạt yêu cầu EU (nghĩa là ”meet EU requirements) đối với những lô hàng mà nước họ xuất trực tiếp đi EU và việc cấp EU H/C này phải làm trên hệ thống TRACE. Đối với nước nhập khẩu không phải EU (ví dụ Việt Nam), họ không cấp H/C trên hệ thống TRACE nên không thể nào cấp H/C có câu chữ ”meet EU requirements” như DN yêu cầu.

Rất nhiều nước xuất khẩu như: Nhật Bản, Maldives, Senagal, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc…, các nước này có form mẫu định sẵn theo qui định của quốc gia họ nên không thể chèn thêm câu chữ như VN yêu cầu ”meet EU requirements”.

Một số lô hàng nhập khẩu về Việt Nam bằng container, tuy nhiên do lô hàng đánh bắt trên ngư trường, được vận chuyển bằng tàu cá (có quốc tịch Đài Loan, Hàn Quốc…) đến cảng ngoại quan (bounded port) ở Thái Lan để dỡ hàng một phần lượng hàng trên tàu đóng vào container và xuất về VN. Việc dỡ hàng tại cảng ngoại quan để đóng vào container xuất về VN được thực hiện bởi đại lý vận tải (freight forwarder) của chủ hàng (là người bán ở Nhật, Singapore…). Việc dỡ hàng và đóng hàng vào container được giám sát chặt chẽ của Hải quan của cảng ngọai quan đó. Việc người bán không thể lấy H/C cho lô hàng với lý do như sau:

– Thái Lan không cấp H/C cho chủ thể ở nước khác (vì tàu cá là của Đài Loan, Hàn Quốc, chủ hàng thì lại ở Nhật, Singapore..). Hơn nữa đối với cảng ngọai quan, đây là nơi được xem như khu vực không thuộc kiểm soát của nội địa Thái Lan mà do hải quan ngọai quan kiểm soát, không thể nào yêu cầu cơ quan nào cấp H/C cho lô hàng không thuộc quyền quản lý của họ.

– Đại lý vận tải chỉ dại diện chủ hàng để thực hiện các việc logistic: dỡ hàng, đóng hàng và làm thủ tục xuất container về VN.

– Chủ hàng (Nhật, Singapore…) thì không thể yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước mình cấp H/C cho lô hàng vì lô hàng không cập cảng Nhật, Singapore.

Theo qui định của Thông tư 26/2016: khi DN nhập khẩu hàng bằng container thì bắt buộc phải có H/C cho lô hàng, DN không thể đáp ứng được nên mất các cơ hội kinh doanh.

Liên quan đến C/C, IUU và dự thảo sửa đổi TT 26/2016, VASEP kiến nghị:

1.Xem xét việc không yêu cầu DN nộp C/C trong hồ sơ kiểm dịch động vật thủy sản, thay vào đó, DN có thể cung cấp giấy chứng nhận của thuyền trưởng “captain’s statement” hoặc Giấy xác nhận của người bán (bản sao có xác nhận của DN). DN sẽ nộp C/C cho Trung tâm vùng của NAFIQAD khi nộp hồ sơ xin cấp Xác nhận (statement) cho lô hàng XK đi EU của mình (tức là nộp C/C vào thời điểm đăng ký xuất khẩu lô hàng).

  1. Xem xét điều chỉnh lại thời hạn của Giấy chứng nhận kiểm dịch VSATTP, hiện tại chỉ cho có 2 tháng là không phù hợp, vì nhiều khi DN nhập hàng nhưng chưa sử dụng ngay. Đề nghị Ban soạn thảo của Bộ tham khảo các quy định quốc tế hoặc của ngành Hải quan để có thời hạn phù hợp. Cộng đồng DN đề nghị thời hạn này ít nhất là 1 năm kể từ ngày cấp giấy.
  2. Đề nghị tách hàng mẫu ra khỏi Khoản 3, Điều 4 và Điều 14 của Dự thảo và quy định một mục riêng cho hàng mẫu trong đó không yêu cầu H/C và không yêu cầu kiểm hàng
  3. Đối với hàng xuất, hàng nhập bằng carton nhưng dùng để sản xuất xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước thì không yêu cầu dán nhãn trên thùng.
  4. Bổ sung vào Dự thảo các quy định theo hướng phân luồng DN theo nguyên tắc quản lý rủi ro (phân luồng xanh, vàng, đỏ) để làm căn cứ miễn-giảm kiểm tra, kiểm tra theo tần suất, không áp dụng kiểm tra 100% tất cả các lô hàng NK như hiện nay theo đúng tinh thần quyết nghị của Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ.
  5. Xem xét việc bổ sung thêm điều khoản cho phép “Khai điều chỉnh, bổ sung” cho việc chứng nhận kiểm dịch VSATTP đối với trường hợp nhập khẩu sản phẩm động vật thủy sản làm nguyên liệu gia công, chế biến thực phẩm xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu từ tàu cá nước ngòai. Đây cũng là thủ tục hành chính bình thường bên ngành thuế & hải quan cho phép khai điều chỉnh, bổ sung Tờ khai.
  6. Xem xét việc bổ sung nội dung quy định/hướng dẫn cho vấn đề chuyển tải & tạm nhập tái xuất: Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng nào về việc quản lý chuyển tải & tạm nhập tái xuất để xác định tàu IUU nhập hàng vào Việt Nam (có thể nhằm chuyển tải sang một thị trường khác như Trung Quốc). Hiện nay, có một lượng không nhỏ container thủy sản cập cảng Hải Phòng để chuyển tải qua biên giới Trung Quốc nhằm tận dụng cơ chế thương mại biên giới Việt Trung nhằm được hưởng hoàn thuế 11%. Kiến nghị: Bộ NN&PTNT bổ sung các hướng dẫn quản lý chuyển tải để tránh việc các tàu IUU lợi dụng Việt Nam để chuyển hàng sang một nước thứ ba.

Tương tự vậy, cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT bổ sung nội dung quy định/hướng dẫn cho vấn đề “nhập khẩu để tiêu thụ nội địa” và “hàng hóa XNK từ kho ngoại quan”.

  1. Xem xét việc bổ sung quy trình giải quyết và hình thức xử lý khi phát hiện (được các nước thông báo) tàu IUU vào Việt Nam (không chỉ cho thủy sản nhập khẩu để XK đi EU), đồng thời chỉ định các Cảng cụ thể cho các tàu cá dỡ hàng và có biện pháp quản lý các Cảng này. Hiện nay, Việt Nam chưa có các quy định này, nên nếu EU phát hiện VN cho tàu bất hợp pháp vào cảng (mặc dù không để XK đi EU) thì điều này vẫn sẽ ảnh hưởng tới cố gắng cải thiện IUU chung của Việt Nam.
  2. Xem xét việc bổ sung các quy định về thủ tục thực thi trong trường hợp nếu lúc đầu khi DN mua hàng (hàng thủy sản NK hoặc đánh bắt trong nước) chưa có ý định xuất khẩu sang EU, nhưng một thời gian sau đó lại nhu cầu XK qua EU và cần hoàn thiện các thủ tục ‘xác nhận” và “chứng nhận” cho lô hàng theo luật định.
  3. Xem xét việc bổ sung cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý tàu cá, lô hàng và cập nhật, công bố danh sách các tàu khai thác IUU để DN biết được và từ chối mua nguyên liệu ngay từ đầu.
  4. Xem xét việc ban hành quy định cụ thể về thời gian thẩm tra tàu. Trong Dự thảo thay thế Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT cũng như Dự thảo sửa đổi TT 50/2015/ TT-BNNPTNT và TT 25/2013/TT – BNNPTNT chưa có quy định về thời gian thẩm tra tàu; nếu thời gian thẩm tra tàu kéo dài, nguyên liệu chưa được đưa vào SX sẽ làm tăng chi phí kho bãi cho DN
  5. Kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét tham gia vào các Hiệp định quốc tế như Hiệp định quản lý đàn cá di cư, Hiệp định các quốc gia có cảng… để nắm các thông tin quốc tế nhờ đó có thể quản lý IUU được chặt chẽ hơn.
  6. Đề nghị Cục Thú y xem xét xây dựng một cuốn Sổ tay Hướng dẫn (Handbook) về Thủ tục nhập khẩu thủy sản để chế biến xuất khẩu sang thị trường EU, cũng như thiết lập một cơ sở dữ liệu về số liệu báo cáo riêng cho dòng hàng thủy sản nhập khẩu để chế biến xuất khẩu sang thị trường EU.

Liên quan đến quy định về Giấy Chứng nhận ATTP (H/C), VASEP kiến nghị:

  1. Rà soát văn bản Thông báo 90/BNN-QLCL ngày 21/12/2009 của Bộ NN&PTNT và xem xét điều chỉnh-bổ sung nội dung thành một quy phạm pháp luật để đảm bảo cơ sở thực thi, trong đó có xem xét đến các kiến nghị tại mục (2.2) và (2.3) dưới đây.
  2. Đối với những lô nguyên liệu nhập khẩu không có H/C do cơ quan thẩm quyền nước XK cấp thì cho phép cơ quan thẩm quyền Việt Nam (Cơ quan Thú y hoặc NAFIQAD) tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích và cấp chứng nhận để DN được nhập khẩu tận dụng các cơ hội kinh doanh.
  3. Đối với lô nguyên liệu nhập để sản xuất xuất khẩu đi EU: nếu lô hàng đã đáp ứng qui định IUU1005 nhưng chỉ thiếu H/C hoặc H/C không có câu chữ “meet with EU regulation” thì cho phép Cơ quan thẩm quyền Việt Nam (Cơ quan Thú y hoặc NAFIQAD) tiến hành lấy mẫu kiểm tra, phân tích để chứng nhận cho lô nguyên liệu đủ điều kiện để XK sangEU.

Tạ Hà