Theo Vasep, năm 2016, giá trị XK cá tra ước đạt 1,66 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước và chiếm 24% tổng kim ngạch XK thủy sản. Năm 2016, cá tra Việt Nam có mặt tại 137 thị trường trên thế giới, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất 23%, Trung Quốc 17% và EU đã tụt xuống vị trí thứ 3 với 16%.
Trong 2 tháng cuối quý III, XK cá tra sang EU chỉ đạt 20 – 21 triệu USD/tháng, trong khi XK sang Trung Quốc lên tới 30 – 31 triệu USD/tháng, gần bằng mức XK sang Mỹ. Sang quý IV, XK cá tra sang Trung Quốc đã vượt cả Mỹ. Việc Trung Quốc mua cá tra Việt Nam tăng một cách đột biến, khiến cho thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL có sự tác động rõ rệt và góp phần tác động thiếu cá nguyên liệu cục bộ cho sản xuất, XK ở mấy tháng cuối năm.
Hiện nước ta có hơn 100 cơ sở sản xuất và xuất khẩu cá tra, trong đó có 20 doanh nghiệp lớn chiếm tỷ trọng khoảng 80% toàn ngành, nắm giữ 70-80% sản lượng nguyên liệu. Do vậy, DN sẽ kiểm soát để đáp ứng được nguồn nguyên liệu XK theo nhu cầu thị trường trong năm nay và năm tới. XK cá tra năm 2017 dự báo tăng nhẹ 4% đạt trên 1,7 tỷ USD. Trong đó, thị trường Mỹ là điểm đến cho 2-3 DN lớn, các DN khác sẽ tập trung nhiều vào các thị trường Trung Quốc, EU, ASEAN và đẩy mạnh sang Nga.
Mỹ: Tính đến hết tháng 11/2016, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ đạt 354,2 triệu USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 22,9% tổng giá trị XK cá tra. Trong năm vừa qua, thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn là hai rào cản kỹ thuật và thương mại lớn nhất tại thị trường XK chủ lực này. Với mức thuế CBPG quá cao, hiện nay chỉ còn từ 2-3 doanh nghiệp lớn bám trụ được tại thị trường Mỹ.
Với một số quy định ngặt nghèo, Chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ là rào cản kỹ thuật cho doanh nghiệp cá tra Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù, chương trình này chưa tác động mạnh tới kim ngạch XK cá tra sang thị trường Mỹ nhưng gây hoang mang tâm lý cho các nhà XK.
EU: Tính đến hết tháng 11/2016, giá trị XK cá tra sang thị trường EU đạt 238,8 triệu USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Do sự sụt giảm này trong 3 năm liên tục, EU đã tụt xuống vị trí thứ 3 (sau Trung Quốc) trong top 3 thị trường XK lớn nhất của doanh nghiệp XK cá tra Việt Nam. Trong 10 năm qua, việc truyền thông đưa thông tin bôi nhọ và không khách quan về thủy sản Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm cá tra như: nuôi trong môi trường ô nhiễm, không có kiểm soát đã xuất hiện ở gần 10 quốc gia, nhiều nhất tại EU. Tác hại của truyền thông bôi nhọ không thể đo đếm đã ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sức tiêu thụ và hình ảnh sản phẩm tại EU.
Trung Quốc – Hongkong: Tính đến hết tháng 11/2016, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc – Hongkong đạt 270,6 triệu USD, tăng mạnh 84,4% so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói, đây là thị trường tiêu thụ thay thế lớn nhất của cá tra Việt Nam trong năm 2016. Nếu rào cản thương mại, kỹ thuật đối với cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ khắt khe hơn trong năm 2017 và XK sang Trung Quốc tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng dương mạnh mẽ như năm qua, có thể Trung Quốc – Hongkong sẽ trở thành thị trường XK lớn nhất của cá tra Việt Nam trong năm tới.
Dự báo năm 2016, XK cá tra đạt 1,66 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. XK cá tra 6 tháng đầu năm 2017 sang các thị trường XK lớn như: Mỹ, Trung Quốc, ASEAN tiếp tục tăng. Giá trị XK cá tra sang EU giảm từ 3-5% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, 2016 là năm có nhiều khó khăn với người nuôi cá tra vùng ĐBSCL cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Giá nguyên liệu biến động trong một biên độ lớn, mang tính thất thường đã làm cho doanh nghiệp lẫn người nuôi tiếp tục thua lỗ nặng, giảm từ mức giá 21.000 đ/kg đầu năm xuống còn 18.000 đ/kg (tháng 8/2016), nhưng sau đó lại tăng lên xấp xỉ 23.000 đ/kg,với lượng cá tra nguyên liệu trong dân gần như đã hết.
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, năm 2016, tổng sản lượng thu hoạch cá tra của ĐBSCL đạt 1,19 triệu tấn với diện tích đạt trên 5.500 ha. Dự báo năm 2017, diện tích nuôi cá tra tăng nhẹ lên 5.600 ha và tổng sản lượng thu hoạch đạt 1,2 triệu tấn.
Tạ Hà