Mặc dù là quốc gia sản xuất, xuất khẩu thủy sản hàng đầu nhưng Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa Ảnh: Eaglespeak
Thiên đường mới…
Theo VASEP, 11 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông tăng trưởng trên hai con số, đạt 775,3 triệu USD, tăng 38,6%; trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, EU và Nhật Bản.
Nhận thấy tiềm năng từ thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có bước chuyển hướng, mở rộng thị trường. Chẳng hạn như, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 đã có định hướng phát triển và mở rộng thị trường qua Trung Quốc. Công ty CP Vĩnh Hoàn sau thành công bất ngờ ghi nhận doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu năm 2015 đã tiếp tục đẩy mạnh thị phần ở thị trường này. Còn Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc gia IDI nhiều năm nay đã có mối quan hệ thân thiết với thị trường này. Theo thống kê năm 2014, xuất khẩu thủy sản của IDI sang Trung Quốc đạt doanh số 19 triệu USD, cao nhất trong các thị trường mà IDI giao thương.
… trị giá 20 tỷ USD
Trung Quốc là nước sản xuất thủy sản lớn nhất trên thế giới, cung cấp khoảng 35% tổng sản phẩm thủy sản toàn cầu. Trung Quốc cũng dẫn đầu thế giới về xuất khẩu thủy sản; trong đó thị trường Nhật Bản chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu những năm gần đây. Mặc dù là quốc gia sản xuất, xuất khẩu thủy sản hàng đầu, nhưng do nhu cầu tiêu thụ nội địa cao, tăng từ mức tiêu thụ bình quân trên đầu người 11,5 kg/người/năm năm 1990 lên 25,6 kg/người/năm năm 2016 và dự kiến đạt 35,9 kg/người/năm năm 2020, nên hàng năm Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu thủy sản từ nhiều nước trên thế giới. Hiện, Trung Quốc là nước nhập khẩu thủy sản lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Nhật. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc là 19,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 8 tỷ USD.
Theo VASEP, sản lượng thủy sản Trung Quốc đến năm 2030 dự báo tăng 31%, chiếm 37% tổng sản lượng thủy sản thế giới. Với mức thu nhập tăng, nhu cầu thủy sản tăng, nhất là đối với thủy sản cao cấp, Trung Quốc có tiềm năng trở thành thị trường thủy sản trị giá 20 tỷ USD cuối năm 2020. Và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chiếm 38% tiêu thụ thủy sản toàn cầu vào năm 2030.
Với dân số dự kiến 1,42 tỷ người cuối năm 2020, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là sản phẩm chất lượng cao do người tiêu dùng ngày càng giàu có; Sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu… Trung Quốc thực sự là thị trường tiềm năng cho thủy sản Việt Nam, nhất là với cá tra, do sản phẩm này cung cấp protein giá thấp, thích hợp cho mọi tầng lớp người dân và chế biến được nhiều món hấp dẫn.
Tiềm năng nhưng cần thận trọng
Trước đây, thị trường Trung Quốc khá dễ tính, yêu cầu không cao. “Song gần đây, thay vì nhập khẩu ồ ạt, Trung Quốc đã chuyển sang cần mã code và nhà cung cấp theo danh sách phê chuẩn. Hơn nữa, Trung Quốc quản ngoại tệ rất chặt nên số lượng các công ty Việt Nam được phép thanh toán bằng USD rất hạn chế, trong khi hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc chưa thực hiện phổ biến theo thông lệ quốc tế bằng thư tín dụng L/C.
Mặc dù Trung Quốc được đánh giá là thị trường rộng, nhiều tiềm năng, giúp tháo gỡ bế tắc trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trước khó khăn ở một số thị trường lớn; tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng, doanh nghiệp cần thận trọng hơn khi xuất khẩu sang quốc gia này. Để bền vững, cần tăng cường chất lượng sản phẩm, chú trọng an toàn thực phẩm nhằm đa dạng hóa thị trường, thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, bởi đây vốn là thị trường đỏng đảnh và khó hiểu về những chính sách.
Câu chuyện rớt giá, ứ đọng các mặt hàng nông sản liên tiếp diễn ra, bài học phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đã nhãn tiền. Ngành thủy sản Việt Nam nếu muốn bền vững, không để “mất nhiều hơn được” tại thị trường này, cần có những chiến lược và giải pháp cụ thể, tránh đi theo “vết xe đổ” như nhiều nông sản khác.