Theo VASEP, nuôi trồng thủy sản tháng 1/2017 đạt khoảng 210.000 tấn, tăng 2,9% so với cùng kì năm trước. Giá thủy sản có xu hướng tăng do nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết Nguyên đán.
Trong đó, sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tháng 1/2017 ước đạt 71.400 tấn, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá cá tra nguyên liệu có xu hướng tăng, hiện nay giá dao động ở mức từ 21.500 – 23.000 đồng/kg, tăng khoảng 1000 đồng/kg so với tháng trước và tăng từ 2000 – 3000 đồng/kg so với cùng thời điểm đầu năm 2016.
Mặc dù giá cá tra tăng nhưng người nuôi không có nhiều cá để xuất bán do các ao thả nuôi muộn chưa đủ kích cỡ cá thương phẩm.
Hiện nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đến 140 thị trường trên thế giới. Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2015.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn đối với xuất khẩu cá tra của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm khoảng 20% trên tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng xuất khẩu cá tra của nước ta vẫn tăng. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến, với tổng giá trị xuất khẩu tăng gần 90%.
Theo kế hoạch, trong năm 2017, diện tích thả nuôi cá tra toàn vùng Đồng bằng sông Cứu Long khoảng 5.000-5.500 ha, sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn cá nguyên liệu. Về cơ bản, nhà nước không khuyến khích tăng mạnh về diện tích và sản lượng, mà chủ yếu tập trung đầu tư nâng cao chất lượng cá tra, nhất là đầu tư cho nguồn giống. Đẩy mạnh việc phát triển mô hình nuôi GAP, nhằm tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng những thị trường khó tính.