Chất lượng nguồn giống cá tra sẽ được cải thiện trong thời gian tới
Thứ 5, 14/12/2017 | 08:10 GTM +07
Đây sẽ là một cú hích quan trọng để tạo sự đột phá mới cho ngành hàng cá tra của Việt Nam trong những năm tới.
Lấy An Giang làm hạt nhân
Theo Tổng cục Thủy sản, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hàng rào do đạo luật Farm Bill của Hoa Kỳ thời gian qua, tuy nhiên, cá tra vẫn đang là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng XK đều đặn trong những năm qua.
Đặc biệt năm 2017, XK cá tra đã tạo dấu ấn lớn với sản lượng XK dự kiến khoảng 1,3 triệu tấn, tăng 13% so với năm 2016 và vượt so với kế hoạch đề ra khoảng 8% (so với kế hoạch khoảng 5%).
Chỉ với diện tích nuôi rất nhỏ khoảng trên dưới 5.000 ha, ngành hàng cá tra đang thu về kim ngạch XK trên 2 tỉ USD/năm…
Với những bứt phá mạnh mẽ của ngành hàng này, trong khuôn khổ chuyến làm việc với UBND tỉnh An Giang hồi tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với chủ trương của Bộ NN-PTNT cũng như tỉnh An Giang về đầu tư xây dựng Dự án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại tỉnh An Giang, xem đây là hạt nhân nhằm cải thiện năng suất và chất lượng của cá tra thông qua cải thiện chất lượng nguồn giống cho các tỉnh ĐBSCL nói chung.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, từ tháng 8/2017 đến nay, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo đơn vị này chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Bộ NN-PTNT xây dựng dự thảo Đề án liên kết SX giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho các tỉnh ĐBSCL.
Đến nay, đề án đã nhận được sự đóng góp của 9 tỉnh khu vực ĐBSCL. Sau khi xin ý kiến của các Bộ ngành khác, dự kiến Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2017 để xem xét phê duyệt.
Tại buổi làm việc giữa tỉnh An Giang với Bộ NN-PTNT và các Bộ ngành nhằm xin ý kiến lần cuối cho dự thảo này diễn ra hôm qua (5/12), đại diện các Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT và đại diện các bộ ngành liên quan đã cơ bản đồng tình với chủ trương và những nội dung của dự thảo đề án do Bộ NN-PTNT và tỉnh An Giang soạn thảo.
Theo dự thảo đề án, 7 vùng SX, ương dưỡng giống cá tra chất lượng cao sẽ được đầu tư tại 2 tỉnh gồm An Giang và Đồng Tháp.
Trong đó, tỉnh An Giang có 3 vùng ương giống tập trung với tổng diện tích 350 ha, gồm 150 ha tại huyện Châu Phú, 100 ha tại TP Long Xuyên và 100 ha tại TX Tân Châu;
tỉnh Đồng Tháp gồm 4 vùng ươm giống tập trung với tổng diện tích 420 ha, gồm 100 ha tại huyện Hồng Ngự, 100 ha tại TX Hồng Ngự 100 ha, 100 ha tại huyện Cao Lãnh và 100 ha tại huyện Châu Thành…
Bên cạnh đó, một trung tâm SX giống cá tra chất lượng cao sẽ được xây dựng tại tỉnh An Giang.
Theo Bộ TN-MT, qua rà soát, đối chiếu, cho thấy việc giành quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cơ sở SX giống cá tra theo dự thảo đề án là nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh An Giang và Đồng Tháp và có tính khả thi để triển khai.
Mục tiêu 100% nguồn cá tra giống chất lượng cao
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2016, toàn vùng ĐBSCL có 108 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra với diện tích khoảng 1.500 ha, sản lượng cá bột SX khoảng 16,5 tỷ con, trong đó An Giang và Đồng Tháp là 2 tỉnh SX, cung ứng giống cá tra giống chủ yếu của khu vực ĐBSCL.
Cá tra đang là mặt hàng XK có nhiều bứt phá trong năm 2017 |
Tuy nhiên, việc SX không theo quy hoạch, thiếu liên kết theo chuỗi khiến việc kiểm soát chất lượng nguồn giống hết sức khó khăn.
Mặc dù thời gian qua, lượng giống cá tra bố mẹ hậu bị được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II chuyển giao cung ứng chiếm khoảng 60% nhu cầu giống cá tra bố mẹ cho các tỉnh ĐBSCL, tuy nhiên tỉ lệ giống cá tra trôi nổi, chưa được kiểm soát còn lên tới 50%.
Theo đánh giá, nhu cầu giống cá tra hàng năm cho các tỉnh ĐBSCL hiện nay lên khoảng 2 tỷ con, với số lượng cá tra bột cần thiết khoảng 20 tỷ con (tỷ lệ ương từ bột lên giống trung bình 10%), tổng đàn cá tra bố mẹ cần thiết cho toàn vùng ĐBSCL sẽ vào khoảng 134.000 con.
Theo dự thảo đề án đang được Bộ NN-PTNT và tỉnh An Giang xây dựng, đến năm 2020, các trung tâm và cơ sở ươm giống chất lượng cao theo đề án sẽ đáp ứng 70% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao, tăng trưởng nhanh và kháng bệnh theo quy chuẩn cho vùng ĐBSCL với diện tích ương giống toàn vùng nâng lên từ 1.700 ha đến 2.500 ha; đáp ứng cho nhu cầu toàn vùng là 3 – 3,5 tỷ giống.
Đến năm 2025, chuỗi SX giống cá tra 3 cấp chất lượng cao sẽ hoạt động ổn định, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao cho vùng ĐBSCL với nhu cầu toàn vùng là 3,5 – 4 tỷ giống…
Cơ chế trong việc triển khai sẽ được liên kết theo 3 cấp, bao gồm: Các đơn vị nghiên cứu (viện, trường) cung ứng nguồn giống cá tra bố mẹ, cá tra hậu bị cho các trung tâm giống và các DN để SX cá bột, sau đó các trung tâm và DN cung ứng cá bột cho các DN, cá nhân, HTX, tổ hợp tác… ươm giống để cung cấp cho người nuôi thương phẩm, trong đó các DN chế biến, XK cá tra được xác định là hạt nhân cơ bản trong mối liên kết.
Theo đó, toàn bộ con giống cá tra của chuỗi SX phải được DN bao tiêu trong chuỗi liên kết từ con giống tới chế biến, XK…