Cần Thơ: Diên tích nuôi cá tra theo các tiêu chuẩn thực hành tốt có xu hướng tăng

21/03/2018

Cần Thơ là một trong những địa phương có lợi thế và tiềm năng trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra. Trong những năm qua mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam như rào cản kỹ thuật, bảo hộ thương mại và các quy định kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu; nguồn nguyên liệu chế biến; sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá, đạo luật Nông trại 2014 (Farm Bill 2014) của Hoa Kỳ đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra.

Tuy nhiên trước những khó khăn trên, các doanh nghiệp sản xuất cá tra đã tìm ra hướng giải pháp nhằm tháo gỡ thị trường, chuyển đổi thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt nhằm nâng cao giá trị gia tăng, do đó tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra năm 2017 trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã đạt kết quả rất khả quan.

Năm 2017, diện tích mặt nước thả nuôi của toàn tỉnh Cần Thơ đạt là 733 ha, vượt 05% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thu hoạch đạt trên 174 nghìn tấn, vượt 6,4% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt năng suất gần 289 tấn/ha. Đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 của thành phố Cần Thơ  đạt 557,4 triệu USD, tăng 1,35% so với cùng kỳ  năm 2016 (550 triệu USD).

Trong những năm qua, để nâng cao giá trị gia tăng và đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, người dân và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra trên địa bàn đã tăng cường áp dụng thực hành nuôi theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP,…Các cơ sở còn lại đang phấn đấu áp dụng các biện pháp nuôi theo tiêu chuẩn để đảm bảo sản phẩm ATTP. Ngoài ra, địa phương cũng đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn TP. Cần Thơ áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP)”

Đến cuối năm 2017, diện tích nuôi cá tra được chứng nhận theo các tiêu chuẩn đạt 234,94ha, chiếm 40,9%tổng diện tích nuôi cá tra (574 ha) trong đó: 224,94 ha VietGAP và 10 ha BAP+ASC. Diện tích nuôi cá tra theo tiêu chuẩn dự báo có xu hướng tăng do đơn vị đã triển khai thực hiện kế hoạch “Hỗ trợ cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn TP. Cần Thơ áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP)”.

Mục tiêu năm 2018, đưa diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ đạt 750 ha và phấn đấu đạt sản lượng trên 163 nghìn tấn.

Trong thời gian tới Chi cục Thủy sản Cần Thơ sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung ở 04 quận huyện (Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Ô Môn, Cờ Đỏ).Thực hiện rà soát quy hoạch thủy sản, xây dựng các vùng nuôi cá tra ATTP để phát triển nghề nuôi cá tra bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nuôi trên địa bàn TP. Cần Thơ áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP,… Tổ chức lại các hộ nuôi thủy sản theo hình thức liên kết như: Tổ hợp tác, Hợp tác xã,… Phát huy vai trò của các Hội, Hiệp hội, trong việc làm cầu nối và tổ chức liên kết giữa các khâu của quá trình sản xuất và tiêu thụ; Tạo điều kiện cho các hộ nuôi cá tra quảng bá sản phẩm ATTP đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nguyên liệu chế biến – tiêu thụ. Mở rộng và khuyến khích các hình thức nuôi “Gia công”; “liên kết”, “nuôi theo hợp đồng”. Xây dựng chuỗi liên kết nhằm bảo vệ lợi ích các bên tham gia.

Văn Thọ