Chủ đề của Ngày Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc vào ngày 16 tháng 10 năm 2016 “Khí hậu đang thay đổi, lương thực thực phẩm và nông nghiệp cũng vậy” nhấn mạnh mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất thủy sản?
Ảnh minh họa
Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa lớn đối với sản xuất lương thực toàn cầu – bao gồm thủy sản và nuôi trồng thuỷ sản – và thách thức là làm thế nào để tiếp tục đáp ứng đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm cho dân số toàn cầu ngày càng tăng trong một môi trường thay đổi. Hiện nay, dân số toàn cầu là khoảng 7,4 tỷ người và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 9,7 tỷ người vào năm 2050.
Sản lượng lương thực toàn cầu sẽ cần tăng khoảng 60% vào thời gian đó. Triển vọng và những sự thay đổi hợp lý để tăng sản lượng lương thực thực phẩm là gì khi mỗi năm có từ 5 đến 7 triệu ha (0,6%) đất nông nghiệp bị mất đi trên toàn thế giới cho quá trình công nghiệp hóa, tăng dân số và đô thị hoá?
Nuôi trồng thủy sản liên quan đến sản xuất lương thực toàn cầu
Theo FAO, khoảng 540 triệu người chủ yếu phụ thuộc vào nuôi trồng và đánh bắt thủy sản để tạo nguồn thu nhập và protein. Đối với đa số những người này, hải sản là nguồn cung cấp ít nhất một nửa lượng protein động vật và khoáng chất. Trên toàn cầu, thủy sản cung cấp 20% protein động vật cho hơn 3,1 tỷ người, với mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tăng từ 9,9 kg trong những năm 1960 lên 20 kg vào năm 2014.
Nuôi trồng thủy sản là ngành sản xuất thực phẩm phát triển nhanh nhất trên thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6% trong thập kỷ qua. Theo FAO, sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 1995 – 2014, loại trừ các loài cây thủy sinh; sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu đã đạt 74 triệu tấn vào năm 2014, trong đó châu Á chiếm 89%. Sự phát triển nhanh chóng của nuôi trồng thủy sản đã được coi là cuộc cách mạng xanh, một cách tiếp cận tăng sản lượng thực phẩm để góp phần bổ sung dinh dưỡng cho con người và tăng cường an ninh lương thực.
Mối đe dọa của biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu có thể có nhiều ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển, ven biển và nước ngọt (bao gồm dòng chảy và chất lượng nước), tất cả đều quan trọng đối với sản xuất thủy sản thông qua các hoạt động khai thác và nuôi trồng thuỷ sản. Nó có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của các hệ sinh thái quan trọng như rừng ngập mặn, các loài cỏ biển, các cửa sông và các đầm phá ven biển vốn rất quan trọng đối với các giai đoạn sống của nhiều loài thủy sản.
Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào về sinh cảnh sẽ ảnh hưởng đến năng suất và sự an toàn nuôi trồng thủy sản. Ở các vùng ôn đới, năng suất nuôi trồng thủy sản có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự nóng lên của các đại dương do biến đổi khí hậu gây ra. Con người cần phải giải quyết nhiều vấn đề và chuẩn bị cho các tác động có thể xảy ra trên toàn cầu đối với các hệ sinh thái thủy sinh, khai thác và nuôi trồng thủy sản thế giới bằng cách thay đổi các mô hình khí hậu.
Báo cáo đánh giá của FAO năm 2016 về những tác động của biến đổi khí hậu đối với nghề cá và nuôi trồng thủy sản nhấn mạnh rằng sự quản lý yếu kém tài nguyên thiên nhiên vẫn còn là những trở ngại quan trọng đối với sự bền vững của nghề cá và nuôi trồng thủy sản, và các hậu quả tiêu cực của các hoạt động của con người như đánh bắt quá mức, ô nhiễm và các vấn đề khác đang ngày càng trầm trọng bởi biến đổi khí hậu. Nó cũng chỉ ra sự cần thiết phải hiểu rõ hơn về các rủi ro kinh tế, xã hội và quản trị, quản lý rủi ro thiên tai cụ thể và các tổn thương, để cải thiện các lựa chọn thích ứng cho các hệ thống sản xuất thủy sản và nuôi trồng thuỷ sản theo chuỗi giá trị và theo các chế độ quản trị.
Do nhu cầu thủy sản tăng và khai thác thủy sản đạt đến giới hạn, nên tăng trưởng nuôi trồng thủy sản cần tiếp tục ở tốc độ cao. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản đã bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu do con người gây ra, bao gồm các sự kiện như lũ lụt ven biển, hạn hán, sự ấm lên của đại dương và axit hóa, thay đổi mô hình lượng mưa, độ mặn của đại dương, mực nước biển dâng, bão dông và các sự kiện khác.
Do biến đổi khí hậu, nước đang ngày càng trở nên khan hiếm ở nhiều vùng trên thế giới, ảnh hưởng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản do lượng nước ngọt giảm và năng suất cây trồng bị hạn chế. Sự thay đổi lượng mưa làm tăng nguy cơ lũ lụt và hạn hán ảnh hưởng tiêu cực đến nuôi trồng thủy sản. Nuôi trồng thủy sản đặc biệt dễ bị tổn thương bởi lũ lụt và người nuôi thường bị mất trắng, và lũ lụt ngày càng trở nên phổ biến ở các cộng đồng nuôi thủy sản ở nhiều nước châu Á.
Hạn hán là một trong những trở ngại môi trường chính đối với nuôi trồng thuỷ sản vì các loài thủy sản không thể phát triển mà không có nước. Hạn hán thường dẫn đến thời kỳ nuôi thủy sản ngắn và sự sống của các loài thủy sản bị đe dọa do hạn hán trầm trọng. Do sự nóng lên toàn cầu, nhiệt độ nước tăng dẫn đến sự thay đổi hệ sinh thái ao nuôi thủy sản. Các loài thủy sản rất nhạy cảm với các điều kiện sinh thái và những thay đổi trong các hệ sinh thái ao nuôi có ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sống sót, tăng trưởng và sản lượng các loài thủy sản nuôi. Biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng đối với sản xuất thủy sản toàn cầu.
Triển vọng
Theo báo cáo của FAO về biến đổi khí hậu – mặc dù con người không thể dự đoán chính xác tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất thủy sản, những tác động tiềm ẩn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thủy sản và nuôi trồng thuỷ sản thông qua “các tác động kinh tế xã hội gián tiếp và rộng lớn hơn (ví dụ, các mâu thuẫn về sử dụng nước sạch ảnh hưởng đến tất cả các hệ thống sản xuất thực phẩm, các chiến lược thích ứng và giảm thiểu tác động trong các ngành khác ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống nuôi trồng thuỷ sản nói chung hoặc thủy sản và nuôi trồng thuỷ sản); thông qua các phản ứng sinh học và sinh thái đối với những thay đổi tự nhiên (ví dụ năng suất, sự phong phú của loài, sự ổn định hệ sinh thái, vị trí của các nguồn lợi thủy sản, mức độ và tác động của mầm bệnh); và thông qua những ảnh hưởng trực tiếp về tự nhiên (ví dụ như thay đổi mực nước biển, lũ lụt, tác động của bão).
Do các khả năng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản, và nhu cầu tiếp tục tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, con người phải phát triển và triển khai các chiến lược thích ứng. Nuôi trồng thủy sản nước ngọt tích hợp có thể giúp tăng khả năng phục hồi của ngành đối với biến đổi khí hậu. Trên thực tế, nuôi trồng thuỷ sản có thể tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua đa dạng hóa và tăng cường các loài thủy sản nuôi với việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên.
Các tác động của biến đổi khí hậu đối với nuôi trồng thuỷ sản tổng hợp có thể là rất nhỏ. Việc trồng các loại rau và cây ăn quả trên bờ các ao nuôi thủy sản có thể làm giảm sự xói mòn trong mùa mưa. Các loại cây trồng trên bờ ao và các bờ dốc của ao cũng được sử dụng để trồng rau có thể được kéo dài đến khu vực nước ao để cung cấp bóng mát và chỗ trú ẩn cho các loài thủy sản trong thời gian nhiệt độ nước cao.
Sự thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng bao gồm sự kiểm soát lũ (các đập, các kè, bờ ao cao hơn) và các hạng mục thủy lợi có thể giúp thích ứng với biến đổi khí hậu trong nuôi trồng thủy sản. Sự đổi mới công nghệ và việc sử dụng có hiệu quả nước trong nuôi trồng thuỷ sản có thể làm tăng năng suất và an ninh lương thực.
HNN (Theo GAA)