Bến Tre: phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản đến năm 2020

19/03/2017

Bến Tre: phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản đến năm 2020

Vừa qua, nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ của Đề án Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm tỉnh Bến Tre hướng đến năm 2020, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm tỉnh Bến Tre hướng đến năm 2020. Nhiệm vụ trọng tâm của bản Kế hoạch nhằm tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng đầu tư và tăng dần tỷ trọng giá trị gia tăng chuỗi sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, kêu gọi thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, trong đó có công nghiệp chế biến thủy sản theo hướng chất lượng và bền vững.
^B4F9FC963EA801A2C9AB9C149403E7E7DF39844474D22EE287^pimgpsh_fullsize_distr
Bến Tre: phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản đến năm 2020

Đối với phát triển nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng thủy sản: ổn định diện tích nâng cao hiệu quả vùng nuôi theo hướng an toàn, bền vững, diện tích khoảng 47.000 ha, đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt, hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng ổn định, bền vững, liên kết với các địa phương khác, nhất là khu vực miền Tây Nam bộ, trong việc khai thác và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển sản xuất lâu dài.

Phát triển công nghiệp chế biến thủy sản theo hướng chất lượng và bền vững, giải quyết hài hòa giữa nâng cao giá trị gia tăng với đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Khuyến khích đầu tư phát triển theo chiều sâu và đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng sản lượng chế biến các mặt hàng có giá trị gia tăng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản hiện có (các sản phẩm nghêu, cá tra, cá biển các loại); kêu gọi các dự án đầu tư chế biến tôm xuất khẩu với công nghệ hiện đại, các dự án đầu tư công nghệ, xử lý và tận dụng các phế phụ phẩm để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: colagen, chitosan, glucosamin, canxi hoạt tính, bột cá, dầu cá. Thực hiện việc truy xuất nguồn gốc từ nguyên liệu đầu vào và xây dựng thương hiệu các sản phẩm thủy sản là thế mạnh của địa phương. Kiểm soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến.

Bên cạnh đó, tăng cường phát triển thị trường thông qua xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng mối liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trên địa bàn. Làm tốt công tác dự báo ngư trường…Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn kết chia sẻ lợi ích sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ môi trường.

Theo Hương Trà