An Giang: Quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

20/10/2017

Mục tiêu nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả một phần tài nguyên đất đai, mặt nước của tỉnh, đặc biệt là tận dụng tối đa những diện tích đã đào ao sẵn để khôi phục và phát triển nghề nuôi, chế biến cá tra thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, theo hướng tập trung, được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đảm bảo hiệu quả, bền vững và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, giải quyết thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Diện tích mặt nước nuôi cá tra đến năm 2025 đạt 1.000 ha (công nghệ cao 30 ha), tăng lên đạt 1.430 ha (180 ha nuôi công nghệ cao vào năm 2030). Tốc độ tăng bình quân diện tích đạt 4,1%/năm giai đoạn 2017-2025 và đạt 3,6% giai đoạn 2026-2030;

Tổng sản lượng cá tra nuôi đến năm 2025 đạt 300.960 tấn, đến năm 2030 đạt 472.500 tấn. Tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng cá tra nuôi trong giai đoạn 2017-2025 là 1,7%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 9,4%/năm. Sản lượng chế biến cá tra năm 2020 đạt 170.000 tấn, năm 2030 đạt 220.000 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm 95% sản lượng. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến năm 2025 đạt 380 triệu USD và năm 2030 đạt 600 triệu USD, với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2017-2025 là 4,6%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 9,6%/năm. Thu hút một lực lượng lao động nuôi và chế biến cá tra đạt 28.500 lao động năm 2025 và năm 2030 là khoảng 38.000 lao động.

Định hướng, tổng diện tích mặt nước nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2025 là 1.000 ha, và đạt 1.430 ha vào năm 2030 tập trung ven sông Hậu và sông Tiền, cù lao thuộc các huyện: Chợ Mới, Châu Phú, Thoại Sơn, Châu Thành, Phú Tân, An Phú, Châu Đốc, Tân Châu và thành phố Long Xuyên. (không quy hoạch các vùng nuôi huyện Tri Tôn và Tịnh Biên). Diện tích nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao phát triển thử nghiệm 30 ha mặt nước nuôi công nghệ cao vào năm 2025 và phấn đấu đạt chỉ tiêu 180 ha vào năm 2030, tại thành phố Long xuyên, thị xã Tân Châu và các huyện Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân và Thoại Sơn.

Tổng sản lượng cá tra nuôi đến năm 2025 đạt 300.960 tấn, đến năm 2030 đạt 472.500 tấn. Tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng cá tra nuôi trong giai đoạn 2017-2025 là 1,7%/năm và giai đoạn 2026-2030 là 9,4%/năm; Giá trị sản xuất cá tra nuôi thương phẩm theo giá hiện hành đạt 7.073 tỷ đồng vào năm 2025 và tăng lên đạt 13.703 tỷ đồng vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,1% trong giai đoạn 2017-2030.

Trước An Giang, năm 2015, UBND tỉnh Đồng Tháp – địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất cả nước cũng có Quyết định số 1046/QĐ-UBND.HC về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Theo đó, đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi cá tra của tỉnh Đồng Tháp đạt khoảng 2.000ha, sản lượng thu hoạch đạt 540.940 tấn và tổng sản lượng chế biến đạt 250.000 tấn. Đối với vùng nuôi, theo QĐ 1046 phân bố ở 11 huyện, thị xã.

Đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp không gia tăng về công suất chế biến để tập trung vào đổi mới dây chuyền công nghệ của các nhà máy hiện có theo hướng hiện đại, nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, cụ thể như: tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng đạt 8 – 12% năm 2015, từ 15 – 20% năm 2020 và trên 25% năm 2025.

Tạ Hà