Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Vũ Văn Tám về việc đề nghị Cục Thú y phối hợp với Tổng cục Thủy sản xem xét đưa nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT (TT26) vào dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 50/2015/TT-BNNPTNT (TT50), Thông tư số 25/2013/TT-BNNPTNT (TT25), Cục Thú y đã dự thảo nội dung hướng dẫn kiểm dịch sản phẩm thủy sản NK từ nguồn đánh bắt theo yêu cầu của EU bổ sung vào dự thảo Thông tư sửa đổi TT50 và TT25.
Tại cuộc họp này, bà Trần Hoàng Yến – Phó Giám đốc VASEP.PRO đã nêu một số ý kiến góp ý từ phía DN hội viên VASEP để Cục Thú y xem xét bổ sung thêm vào dự thảo như sau:
– Các lô nhập trực tiếp từ cá tàu gồm nhiều loài trộn lẫn, khi phát hành chứng từ người bán chưa xác định được số lượng từng loài nên số lượng trên chứng từ chỉ là ước tính. Doanh nghiệp cân cứ vào chứng từ người bán gửi để đăng ký kiểm dịch với Thú y vùng để làm thủ tục nhập hàng. Vào thời điểm Thú ý kiểm hàng chưa thể xác định được số lượng từng loài.
Theo qui định tại TT26, 2 ngày sau khi kiểm hàng thì cấp giấy chứng nhận. Vào thời điểm nhận giấy chứng nhận cũng chưa xác định được số lượng từng loài cho đến khi người bán cho đại diện đến để cùng doanh nghiệp phân loại, phân size cỡ. Sau khi có kết quả phân size cỡ thì người bán mới có số liệu để nộp về quốc gia treo cờ (nước ngoài) để xin cấp C/C.
Chính vì đặc thù như vậy nên số lượng trên giấy chứng nhận của Thú ý khác với số lượng thực nhận và số lượng trên C/C. Vì sự khác biệt này mà NAFI từ chối cấp Giấy xác nhận cam kết sản phẩm thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc từ thủy sản khai thác nhập khẩu và Health Certificate (H/C) cho lô hàng XK của DN.
– Các lô hàng nhập khẩu bằng container thì số lượng thực nhận cũng có sự chênh lệch, tuy không nhiều nhưng luôn luôn có. Cần phải cho điều chỉnh bổ sung trên chứng nhận kiểm dịch VSATTP để phù hợp với hồ sơ nhập hàng của doanh nghiệp.
Đối với trường hợp nhập vào, xuất ra từ kho ngọai quan, có xảy ra trường hợp: Một lô hàng do DN A nhập từ nước ngoài theo loại hình SXXK (khi nhập đã nộp H/C gốc cho cơ quan Thú y), do size cỡ không phù phải tái xuất bán cho khách hàng B ở nước ngoài, khách hàng B yêu cầu DN A xuất vào kho ngoại quan, khi khách hàng B tìm được khách hàng C tại VN và bán lô hàng đó cho C, khi C làm thủ tục nhập hàng từ kho ngọai quan thì không có H/C để làm thủ tục nhập vào VN theo yêu cầu của TT26 nên không nhập hàng được (vì H/C gốc trước đó A đã trình hết cho Cơ quan thú y).
Tại cuộc họp, đại diện VASEP đã bác bỏ việc Cơ quan soạn thảo cho nội dung buộc các DN hải sản Việt Nam nhập nguyên liệu để XK đi thị trường EU phải có Chứng nhận C/C kèm theo Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận vào trong dự thảo. Nếu yêu cầu DN có giấy C/C trước thời điểm xuất hàng thì có thể thực hiện nhưng Chứng nhận C/C của lô nguyên liệu NK không thể có vào thời điểm NK hàng do đa phần Giấy chứng nhận C/C chỉ có sau khi nhập hàng.
Bà Yến nêu lại quan điểm của VASEP tại Công văn số 124/2017/CV-VASEP gửi Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y góp ý dự thảo TT sửa đổi bổ sung TT50/2015/TT-BNNPTNT; TT 25/2013/TTBNNPTNT và góp ý sửa đổi TT 26/2016/TTBNNPTNT ngày 24/8/2017.
Do một số nước (như Đài Loan…) luôn yêu cầu phải có số lượng thực tế dỡ hàng ở cảng, có xác nhận của 4 cảng dỡ hàng rồi mới chuyển số liệu về nước treo cờ nộp cho cơ quan cấp C/C để thẩm định rồi mới cấp C/C cho DN. Do vậy thường phải mất ít nhất 1 tháng sau khi nhận hàng thì DN mới có C/C trong tay. Một số lô hàng nhập bằng container có hành trình vận chuyển ngắn (khoàng 1 tuần đã đến Việt Nam), thì không thể nào có C/C kịp để nộp như Dự thảo yêu cầu.
Liên quan đến việc thẩm tra C/C tại khoản 5.19 Phần (H) của Handbook (trang 79) của Quy định EC 1005/2008 có nêu câu hỏi và câu trả lời liên quan đến việc thẩm tra C/C, EC chỉ yêu cầu cơ quan cấp C/C của Quốc gia Treo cờ (ví dụ như Đài Loan, hoặc Hàn Quốc…) thẩm tra khi có yêu cầu của EC, không bắt buộc là cơ quan thẩm quyền nước thứ 3 (trường hợp này là Việt Nam) thẩm tra.
Tuy nhiên, EC cũng đề cập là tùy theo qui định của quốc gia thứ 3 mà việc thẩm tra được thực hiện như thế nào. Do vậy, cơ quan cấp C/C của quốc gia treo cờ là người chịu trách nhiệm trực tíêp đối với EC, còn cơ quan thẩm quyền nước thứ 3 (Cơ quan Thú y của Việt Nam) có thể thẩm tra để phục vụ cho quản lý Nhà nước, nhưng việc thẩm tra này không nhất thiết phải làm ngay tại thời điểm DN nhập hàng để rồi ngưng xác nhận, chứng nhận cho lô hàng của DN.
Khi NK nguyên liệu, nhiều trường hợp DN chưa biết được lô hàng này sẽ được sử dụng để chế biến hàng XK đi EU hay đi thị trường khác. Do đó, việc quy định tất cả các lô hàng nguyên liệu thủy sản NK đều phải nộp C/C là thủ tục hành chính không cần thíêt, gây lãng phí thời gian, chi phí cho cả DN và NN và đặc biệt gây khó khăn lớn cho các DN khi thiếu hụt nghiêm trọng nguyên liệu mà không mua được nguyên liệu do thiếu C/C.
Tuy nhiên, ông Dương Tiến Thể – Phó Cục trưởng Cục Thú y khẳng định, sắp tới, đối với nguồn nguyên liệu nhập về để chế biến, XK đi EU thì phải có C/C trong hồ sơ xin Giấy xác nhận, Cơ quan Thú y sẽ căn cứ vào các số liệu trong C/C đó để cấp giấy. Đối với những nguồn hàng tạm nhập tái xuất sẽ có những xử lý linh hoạt hơn do nguồn hàng nhập – xuất ra vào rất nhanh.
Theo các đại diện của Tổng cục Thủy sản, những lô hàng dự kiến nhập để chế biến đi EU, DN cần có thông báo với các nhà XK cần có giấy C/C. Không còn cách nào khác, DN buộc phải lựa chọn các nhà XK, nếu nhà XK nào có C/C thì mới nhập để tránh sai sót trong hồ sơ sau này, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU.