Tỷ lệ mạ băng cá tra phile xuất khẩu là 20%

17/04/2017

Tỷ lệ mạ băng cá tra phile xuất khẩu là 20%

Sau gần 27 tháng tranh luận về tỷ lệ mạ băng trong sản phẩm cá tra phile đông lạnh xuất khẩu giữa doanh nghiệp thủy sản và cơ quan quản lý, vấn đề này có thể sẽ khép lại với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra quy chuẩn quốc gia cho sản phẩm cá tra phile đông lạnh với tỷ lệ mạ băng là 20%.
ca tra
Công nhân làm việc tại một nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: TL.

Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản – cá tra phile đông lạnh, theo đó, tỷ lệ mạ băng cá tra phile không được lớn hơn 20% khối lượng tổng của sản phẩm. Còn hàm lượng nước không được lớn hơn 86% khối lượng tịnh của sản phẩm.

Như vậy, so với ban đầu, hai hàm lượng này đã được nâng lên. Cụ thể, theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra ban hành ngày 29-4-2014, ở Điều 6, quy định tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải có tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%; còn hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm.

Các điều khoản trong Nghị định 36 có hiệu lực thi hành vào ngày 20-6-2014 nhưng nội dung về tỷ lệ mạ băng trong Điều 6 nói trên có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ Điều 6 của Nghị định 36 có hiệu lực, phía doanh nghiệp thủy sản đã không đồng tình với quy định tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% và hàm ẩm không được vượt 83%. Vì thế, giữa doanh nghiệp thủy sản và cơ quan quản lý đã có những tranh luận xung quanh điều khoản này.

Trước áp lực từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã lùi thời hạn có hiệu lực áp dụng tỷ lệ mạ băng (quy định trong Điều 6) chậm lại thêm một năm, tức là đến cuối năm 2015 mới áp dụng.

Tuy nhiên, phía doanh nghiệp lại kiến nghị tiếp tục lùi thời gian áp dụng với Điều 6 của Nghị định 36 đến hết năm 2018, tức là qua năm 2019 mới áp dụng với lý do là chưa thỏa thuận được tỷ lệ mạ băng trên cá tra phile xuất khẩu.

Nhận thấy, Điều 6 của Nghị định 36 đã bị trì hoãn quá lâu và có thể tiếp tục kéo dài thêm nhiều tháng nữa, nếu không có một số nhượng bộ cần thiết với doanh nghiệp thủy sản nên trong một số cuộc họp có liên quan, phía Bộ NN&PTNT đã phát đi tính hiệu là sẽ thay đổi tỷ lệ này.

Cuối cùng, sau những cân nhắc, Bộ NN&PTNT đã chọn tỷ lệ mạ băng 20% (thay vì 10% như ban đầu) và hàm lượng nước không được lớn hơn 86% (thay vì 83%) khối lương tịnh của sản phẩm cho sản phẩm cá tra phile đông lạnh xuất khẩu và đưa vào tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia cho sản phẩm cá tra phile đông lạnh xuất khẩu bằng Thông tư 07 nói trên.

Thông tư 07 sẽ có hiệu lực từ ngày 5-5-2017.

Theo Ngọc Hùng (thesaigontimes.vn)