VASEP Góp ý dự thảo 11:2017 về nước thải chế biến thuỷ sản

20/10/2017

Ngày 5/10/2017, VASEP đã gửi Công văn số 152/2017/CV-VASEP tới Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý Dự thảo QCVN 11:2017/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản. Tại công văn này, VASEP góp ý hai nội dung chính về “Đối tượng áp dụng” và “Giá trị C làm cơ sở tính toán giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm”.

Quy định về nước thải chế biến thủy sản xả vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung, theo VASEP, khoản 1.2.2 của dự thảo cần được cụ thể như sau: “Nước thải chế biến thủy sản xả vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung dựa trên nguyên tắc thỏa thuận giữa doanh nghiệp trong khu công nghiệp/khu chế xuất về quy chuẩn áp dụng và bảo đảm tuân thủ các quy định về luật môi trường”.

Quy định như đề xuất trên cho phép thỏa thuận giữa DN trong KCN và công ty hạ tầng KCN sẽ tạo điều kiện để các DN và Công ty phát triển hạ tầng KCN đàm phán để có cơ chế, phí và điều kiện xả thải phù hợp giữa hai bên, đảm bảo chính sách khuyến khích của Nhà nước thúc đẩy các Nhà máy di dời vào các KCN. Còn như nội dung dự thảo hiện nay có thể tạo ra sự áp đặt cho DN và thể hiện sự đối xử chưa công bằng giữa các Nhà máy thủy sản nằm trong KCN và ngoài KCN.

Còn về “Giá trị C làm cơ sở tính toán giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm”, trong đó VASEP đề nghị bỏ quy định về chỉ tiêu Phospho do một số nước lân cận Việt Nam như Indonesia, Malaysia, Thái Lan cũng đang không quy định chỉ tiêu này trong nước thải công nghiệp.

Quy định mức Phospho như dự thảo sẽ gây thêm khó khăn cho DN, làm giảm sức cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam so với các quốc gia XK thủy sản mạnh trong khu vực như Indonesia, Malaysia,  Thái Lan

Trong thực tế, hầu hết các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản đều có sử dụng phụ gia Phốt phát trong quá trình sản xuất, nên lượng Phospho trong nước thải tăng lên, nên sau khi xử lý thường vượt cao hơn so với yêu cầu 20 – 30 mg/l. Ngay cả với mức quy định hiện nay, nhiều thời điểm hoặc tùy mặt hàng, các DN cũng không thể đạt được mức quy định hiện hành. Nếu Dự thảo hạ mức quy định xuống thấp hơn (đối với cơ sở mới xây dựng) và giữ nguyên mức (đối với cơ sở đang hoạt động) thì các DN khó có thể đạt được. Hiện nay, Việt Nam chưa có các công nghệ có tính khả thi và hiệu quả để xử lý chỉ tiêu Phospho trong nước thải của các sản phẩm đòi hỏi sử dụng nhiều phosphat (ví dụ như sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ).

Với thông số Amoni và tổng Nitơ, VASEP đề xuất hai phương án:

Phương án 1: Nới lỏng hai thống số Amoni và tổng Nitơ bằng với hai thống số Amoni và tổng Nitơ mà Thái Lan hoặc Nhật Bản đang áp dụng cho các nhà máy chế biến thủy sản.

Phương án 2: Giữ nguyên mức cho phép của hai thông số Amoni và Tổng Nitơ như trong QCVN 11-MT:2015/BTNMT

VASEP xem xét dựa trên những lý do sau:

Thực trạng hai thông số Amoni và Tổng Nitơ của quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT:

Hiện nay, giới hạn của hai thông số Amoni, tổng Nito trong QCVN 40:2011/BTNMT đang cao hơn một số nước trên thế giới như Thái Lan, Nhật Bản, đang làm cho các trạm xử lý của các KCN gặp vô cùng khó khăn trong việc xử lý đạt Amoni và tổng Nitơ. Thực trạng là hầu hết các trạm xử lý nước thải của các KCN có đạt hai thông số này nhưng không phải đạt trong mọi thời điểm, đặc biệt là chỉ tiêu Amoni và đó là lý do tại sao các KCN khắp cả nước chần chừ trong việc lắp đặt trạm quan trắc tự động cho dù quy định bắt buộc.

Mặt khác, tổng Nitơ cao hơn các nước khác đang gây khó khăn cho các KCN trong việc xử lý đạt quy chuẩn và cũng vì lý do đó các KCN có phí vận hành KCN rất cao và có một số KCN lấy phí xử lý nước thải rất cao, đơn giá xử lý có khi lên 25,000VND/m3 và như vậy làm giảm sức cạnh trạng của các KCN của nước ta so với các nước khác.

Nước thải đầu vào của các KCN thường có độ ô nhiễm thấp (vì nước thải phải được xử lý cấp 1 tại các Nhà máy trong KCN trước khi đấu nối vào hệ thống xử lý của KCN) mà còn gặp khó khăn trong việc xử lý đạt thông số Amoni, tổng Nitơ. Nên đối với các doanh nghiệp thủy sản đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn nước thải rất giàu Nitơ và Amoni thì việc xử lý Nitơ và Amoni khó khăn và cực kỳ tốn kém.

Thực trạng về doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện nay của Việt Nam:

Thực trạng của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản hiện nay là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và rất nhỏ và cũng mới hình thành hơn 10 năm gần đây (so với Nhật Bản đã hình thành cả thế kỷ), công nghệ chế biến còn thủ công, bán thủ công, đồng vốn ít ỏi, các nhà máy chiếm đa phần là sơ chế và lượng nước thải thì không quá lớn mà đòi hỏi đáp ứng quy chuẩn môi trường quá cao (cao hơn nước tiên tiến như Nhật Bản;..). Việc nâng Amoni từ 20mg/l lên 10mg/l và Tổng Nitơ từ 60mg/l lên 40mg/l cần phải xem xét nguồn tiếp nhận (ao hồ, sông hay suối;..)  và cũng phải dựa trên lưu lượng xả thải và các công ty thủy sản lưu lượng xả thải không thể bằng các KCN.

Thực trạng về công nghệ xử lý nước thải của các doanh nghiệp thủy sản:

Công nghệ xử lý Nitơ và Amoni hiện nay chỉ có con đường duy nhất là bằng phương pháp sinh học (Quá trình chuyển hóa Amoni và Nitơ qua các bước: NH4–> NO3- ;  NO3- –> NO2- –>NO –> N2O –> N2 );  Công đoạn hóa lý không làm giảm được Amoni, trong công đoạn hóa lý Nitơ có giảm một phần rất nhỏ (khoảng 5%-7%) và Nitơ giảm là Nitơ dưới dạng vật chất không hòa tan.

Quá trình sinh học thì không thể như hóa học, nó lệ thuộc vào sự sống và phát triển của hệ vi sinh vật trong hệ thống xử lý nước thải và sinh học luôn có khoảng giao động nhất định cho dù điều kiện dinh dưỡng có lý tưởng (pH, Nhiệt độ, các dinh dưỡng khác;,..), hệ vi sinh vật trong các bể xử lý sinh học luôn có những trạng thái tạm gọi “khỏe, trung bình, yếu” trong bất kỳ hệ thống xử lý nước thải nào và khi ở trạng thái trung bình hoặc yếu thì Amoni không thể đạt 10mg/l và Nitơ không thể đạt 40mg/l.

Điều này là chắc chắn bởi vì nước thải đầu vào của các nhá máy chế biến thủy sản Việt Nam sản xuất sản phẩm tinh chế có Amoni thường từ 50-100mg/l; Tổng Nitơ thường từ 200-400mg/l; nước thải đầu vào của các nhá máy chế biến thủy sản Việt Nam sản xuất sản phẩm sơ chế có Amoni: 80-120mg/l; Tổng Nitơ: 250-500mg/l và chưa có hệ thống xử lý sinh học nào cho thấy đạt hiệu quả xử lý Amoni và Nitơ trên 80%.